THẦY LÀ CÂY NHO CÁC CON LÀ CÀNH (ĐTC Phanxicô, 02/05/2021)

tháng 5 05, 2024 |


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Năm Phục Sinh (Ga 15,1-8), Chúa tự giới thiệu mình là cây nho đích thực, và đề cập đến chúng ta như những cành không thể sống được nếu không kết hợp với Ngài. Và vì thế, Ngài nói: “Thầy là cây nho, các con là cành” (câu 5). Không có cây nho nào mà không có cành, và ngược lại. Các cành nho không tự cung tự cấp mà phụ thuộc hoàn toàn vào cây nho, là nguồn gốc cho sự tồn tại của chúng.
Chúa Giêsu nhấn mạnh vào động từ “ở lại”. Ngài lặp lại điều đó bảy lần trong bài đọc Tin Mừng hôm nay. Trước khi rời thế gian này để về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu muốn trấn an các môn đệ rằng các vị vẫn có thể tiếp tục kết hiệp với Ngài. Chúa nói, “Hãy ở lại trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (câu 4). Việc ở lại này không có nghĩa thụ động, không phải là “ngủ yên” trong Chúa, để chính mình bị cuộc đời ru ngủ: không, không phải như thế! Ở lại trong Chúa không phải là như vậy. Việc ở lại trong Ngài, mà Chúa Giêsu đề nghị với chúng ta là một sự lưu lại tích cực, và cũng có qua có lại. Tại sao? Thưa: Bởi vì những cành không tháp nhập vào cây nho thì không thể sống được, chúng cần nhựa sống để lớn lên và kết trái; nhưng cây nho cũng cần cành, vì quả không mọc trên thân cây. Đó là một nhu cầu có qua có lại, đó là việc lưu lại để sinh hoa kết trái. Chúng ta ở trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở trong chúng ta.
Trước hết, chúng ta cần Ngài. Chúa muốn nói với chúng ta rằng trước khi tuân giữ các điều răn của Ngài, trước các mối phúc, trước các công việc của lòng thương xót, chúng ta cần phải kết hợp với Chúa, cần phải ở lại trong Ngài. Chúng ta không thể là Kitô hữu tốt nếu chúng ta không ở lại trong Chúa Giêsu. Thay vào đó, với Ngài, chúng ta có thể làm mọi việc (xem Phi-líp 4:13). Với Ngài, chúng ta có thể làm mọi thứ.
Nhưng Chúa Giêsu cũng cần chúng ta, như cây nho với cành. Điều này có vẻ táo bạo đối với chúng ta, và khiến chúng ta tự hỏi: Chúa Giêsu cần chúng ta theo nghĩa nào? Ngài cần chứng tá của chúng ta. Như những cành nho, hoa trái mà chúng ta trao ra là chứng tá trong đời sống của chúng ta trong tư cách là các tín hữu Kitô. Sau khi Chúa Giêsu lên trời cùng Chúa Cha, nhiệm vụ của các môn đệ - nhiệm vụ của chúng ta - là tiếp tục loan báo Tin Mừng bằng lời nói và việc làm. Và các môn đệ của Chúa Giêsu, là chúng ta, làm như thế bằng cách làm chứng cho tình yêu của Ngài: hoa trái được sinh ra là tình yêu. Được gắn bó với Chúa Kitô, chúng ta nhận được các ân sủng của Chúa Thánh Thần, và bằng cách này, chúng ta có thể làm điều tốt cho người lân cận, chúng ta có thể làm điều tốt cho xã hội, cho Giáo hội. Cây được biết đến bởi quả của nó. Một đời sống Kitô hữu thực sự làm chứng cho Chúa Kitô.
Và làm thế nào chúng ta có thể thành công trong việc này? Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được” (c.7). Sự chắc chắn rằng những gì chúng ta yêu cầu sẽ được ban cho chúng ta thật là một điều táo bạo. Hoa trái cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào lời cầu nguyện. Chúng ta có thể cầu xin cho biết suy nghĩ như Ngài, hành động giống như Ngài, nhìn thế giới và mọi vật bằng con mắt của Chúa Giêsu. Như thế, chúng ta có thể yêu thương anh chị em của chúng ta, bắt đầu từ những người nghèo nhất và những người đau khổ nhất, giống như Ngài đã làm, và yêu thương họ bằng trái tim của Ngài và mang đến cho thế giới hoa trái tốt lành, hoa quả bác ái, hoa quả bình an.
Chúng ta hãy phó thác vào lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ luôn luôn hoàn toàn hợp nhất với Chúa Giêsu và sinh nhiều hoa trái. Xin Mẹ giúp chúng ta ở trong Chúa Kitô, trong tình yêu của Người, trong lời của Người, để làm chứng cho Chúa Phục Sinh trong thế giới.” (ĐTC Phanxicô, 02/05/2021)
Xem tiếp…

VÂNG LỜI CHÚA PHỤC SINH, HÃY BẮT ĐẦU LẠI… (ĐTC Phanxicô, 01/05/2022)

tháng 5 04, 2024 |


“Anh chị em thân mến, chúc ngày Chúa Nhật vui vẻ!
Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Ga 21,1-19) thuật lại việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra lần thứ ba với các Tông đồ. Đó là một cuộc gặp gỡ diễn ra bên Hồ Galilê, và trên hết là có sự tham gia của ông Simon Phêrô. Mọi chuyện bắt đầu bằng việc ông nói với các môn đệ khác: “Tôi đi đánh cá đây”

(câu 3). Không có gì lạ về điều này, vì ông là một ngư dân, nhưng ông đã bỏ công việc này từ khi bỏ lưới trên bờ hồ đó để theo Chúa Giêsu. Và bây giờ, trong khi Đấng Phục sinh đang chờ đợi, Phêrô, có lẽ hơi thất vọng, đã đề nghị với những người khác rằng ông sẽ quay trở lại cuộc sống cũ của mình. Và những người khác chấp nhận ý kiến đó: “Chúng tôi sẽ cùng đi với ông”. Nhưng “đêm đó họ không bắt được gì”. (câu 3).
Điều này có thể xảy ra cho chúng ta, vì mệt mỏi, thất vọng, có lẽ vì lười biếng, quên Chúa và bỏ bê những lựa chọn tuyệt vời mà chúng ta đã thực hiện, để tự bằng lòng với điều gì đó khác. Ví dụ, không dành thời gian để trò chuyện cùng nhau trong gia đình, thích những trò tiêu khiển cá nhân; chúng ta quên lời cầu nguyện, để bản thân bị cuốn vào những nhu cầu của chính mình; chúng ta bỏ bê việc bác ái, với lý do là có những việc cấp bách hàng ngày phải lo toan. Nhưng, khi làm như vậy, chúng ta thấy mình thật thất vọng: đó là nỗi thất vọng mà Thánh Phêrô cảm thấy, với những tấm lưới trống rỗng, giống như ông. Đó là con đường đưa anh chị em đi lùi và không làm anh chị em hài lòng.
Và Chúa Giêsu làm gì với Phêrô? Chúa trở lại bờ hồ nơi ngài đã chọn ông, Anrê, Giacôbê và Gioan. Ngài không khiển trách họ, Chúa Giêsu không trách móc, Ngài luôn luôn chạm đến trái tim, dịu dàng gọi các môn đệ: “Các con” (câu 5). Sau đó, Chúa mời họ, như trước đây, hãy can đảm giăng lưới của họ một lần nữa. Và lần này lưới được lấp đầy, đến mức tràn ra ngoài. Anh chị em thân mến, khi lưới mình trống rỗng trong cuộc sống, không phải là lúc để cảm thấy tiếc cho bản thân, để vui chơi, quay trở lại với những thú tiêu khiển cũ.
Đã đến lúc bắt đầu lại với Chúa Giêsu, đã đến lúc tìm lại can đảm để bắt đầu lại, đã đến lúc phải ra khơi lần nữa với Người. Chúng ta luôn phải đối mặt với một sự thất vọng, hoặc một cuộc sống đã mất đi phần nào ý nghĩa, khi thấy “hôm nay tôi cảm thấy như thể tôi đã đi lùi lại phía sau”, hãy lên đường một lần nữa với Chúa Giêsu, bắt đầu lại, dấn thân vào chỗ nước sâu! Chúa đang chờ anh chị em. Và Người chỉ nghĩ về anh chị em, tôi, mỗi người trong chúng ta.” (ĐTC Phanxicô, 01/05/2022)
Xem tiếp…

DÁM LAO MÌNH ĐẾN CHÚA NHƯ PHÊRÔ (ĐTC Phanxicô, 01/05/2022)

tháng 5 04, 2024 |


“Phêrô cần “cú sốc” đó. Khi nghe Gioan kêu lên: “Chúa đó!” (Ga 21, 7), ông lập tức nhảy xuống nước và bơi về phía Chúa Giêsu. Đó là một cử chỉ yêu thương, bởi vì tình yêu thương vượt lên trên sự hữu ích, tiện lợi hay bổn phận; tình yêu tạo ra điều kỳ diệu, nó truyền cảm hứng cho lòng nhiệt thành sáng tạo, được tự do trao tặng. Theo cách này, trong khi Gioan, người nhỏ tuổi nhất, nhận ra Chúa, thì chính Phêrô, người lớn tuổi nhất, lại lao về phía Người. Trong cuộc bơi lặn đó, có tất cả sự nhiệt tình mới được tìm thấy của Simon Phêrô.
Anh chị em thân mến, hôm nay Chúa Kitô Phục Sinh mời gọi chúng ta đến với một động lực mới, tất cả mọi người, mỗi người trong chúng ta, Người mời gọi chúng ta lao vào điều tốt lành mà không sợ mất mát điều gì, không tính toán quá nhiều, không đợi người khác bắt đầu. Tại sao? Thưa: Đừng chờ đợi người khác, bởi vì để ra ngoài gặp Chúa Giêsu, chúng ta cần phải loại bỏ thăng bằng hiện nay. Chúng ta cần loại bỏ thăng bằng với lòng can đảm, phục hồi bản thân, nhưng khôi phục lại bản thân trong trạng thái mất cân bằng, chấp nhận rủi ro. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân: liệu tôi có khả năng bộc phát lòng quảng đại, hay tôi kiềm chế những thôi thúc của trái tim mình và khép mình vào thói quen, và những sợ hãi? Hãy nhảy vào, đi sâu vào. Đây là lời hôm nay của Chúa Giêsu.
Sau đó, ở cuối đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu hỏi Thánh Phêrô ba lần, cùng một câu hỏi: “Con có yêu mến Thầy không?” (câu 15-16). Hôm nay Chúa Phục Sinh cũng hỏi chúng ta: Con có yêu mến Thầy không? Bởi vì trong lễ Phục sinh, Chúa Giêsu cũng muốn lòng chúng ta sống lại; bởi vì đức tin không phải là vấn đề về kiến thức, mà là về tình yêu. Con có yêu mến Thầy không? Chúa Giêsu hỏi anh chị em, tôi, chúng ta, những người có lưới trống và sợ bắt đầu lại; những người không có can đảm để lao vào và có lẽ đã đánh mất động lực của chúng ta. Con có yêu mến Thầy không? Chúa Giêsu hỏi. Kể từ đó, Phêrô thôi không đánh bắt cá nữa và chuyên tâm phục vụ Thiên Chúa và cho anh chị em của mình đến mức hiến mạng sống tại đây, nơi chúng ta đang đứng hiện nay. Còn chúng ta thì sao, chúng ta có muốn yêu mến Chúa Giêsu không?
Xin Đức Mẹ, Đấng đã sẵn sàng nói “xin vâng” với Chúa, giúp chúng ta khám phá lại sự thôi thúc để làm điều tốt.” (ĐTC Phanxicô, 01/05/2022)
Xem tiếp…

SUY NIỆM (ĐTC Phanxicô, 28/04/2021)

tháng 5 02, 2024 |


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Hôm nay chúng ta sẽ nói về hình thức cầu nguyện gọi là suy niệm. Đối với một Kitô hữu, “suy niệm” là tìm kiếm ý nghĩa: nó ngụ ý đặt mình trước trang sách Mạc Khải mênh mông để cố gắng biến nó thành của riêng chúng ta, mặc lấy nó một cách trọn vẹn. Và người Kitô hữu, sau khi đã đón nhận Lời Chúa, không giữ kín Lời Chúa ở trong mình, bởi vì Lời ấy phải được “một cuốn sách khác” gặp gỡ, điều mà Sách Giáo lý gọi là “sách sự sống” (số 2706). Đây là điều chúng ta cố gắng làm mỗi khi suy niệm Lời Chúa...
Ở đây, ta thấy hình ảnh của những người trẻ và người lớn đang ngồi suy niệm, trong im lặng, nhắm mắt... Nhưng những người này làm gì, chúng ta dám hỏi thế? Họ suy niệm. Đó là một hiện tượng cần được nhìn một cách thiện cảm: thực thế, chúng ta không được tạo dựng để lúc nào cũng chạy nhẩy, chúng ta có một đời sống nội tâm không thể luôn luôn bị làm ngơ. Suy niệm vì vậy là nhu cầu của tất cả mọi người. Có thể nói, suy niệm cũng giống như dừng lại và hít thở trong cuộc sống. Dừng lại và tĩnh lặng...
Nếu kinh nghiệm cầu nguyện mang lại cho chúng ta sự bình an nội tâm, hoặc khả năng làm chủ bản thân, hoặc sự rõ ràng về con đường phải đi, thì người ta có thể nói, những kết quả này là hậu quả ơn thánh của lời cầu nguyện Kitô giáo, vốn là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Nghĩa là, việc suy niệm đồng nghĩa với việc đi vào cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong chúng ta, như cụm từ trong Kinh thánh từng nói...
Và việc suy niệm Kitô giáo, được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, dẫn chúng ta vào cuộc đối thoại này với Chúa Giêsu. Không có trang nào trong Tin Mừng mà không có chỗ cho chúng ta. Đối với Kitô hữu chúng ta, suy niệm là một cách để tiếp xúc với Chúa Giêsu. Và bằng cách này, chỉ bằng cách này, chúng ta mới khám phá ra chính mình. Và đây không phải là một sự rút lui vào chính chúng ta, không, không: nó có nghĩa là đi gặp Chúa Giêsu, và từ Chúa Giêsu, khám phá ra bản thân mình, được chữa lành, sống lại, mạnh mẽ bởi ơn thánh của Chúa Giêsu. Và gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng Cứu Rỗi của tất cả mọi người, bao gồm cả tôi. Và điều này, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Cảm ơn anh chị em.” (ĐTC Phanxicô, 28/04/2021)
Xem tiếp…

Trích bài chú giải của thánh Sy-ri-lô, giám mục A-lê-xan-ri-a, về thư gửi tín hữu Rô-ma :

tháng 5 01, 2024 |


“Theo lời Kinh Thánh, chúng ta tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể, và là những bộ phận có liên đới với nhau, vì Đức Ki-tô đã nối kết chúng ta nên một bằng mối dây đức ái : Chính Người là Đấng đã liên kết đôi bên thành một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, và huỷ bỏ Luật Cũ gồm các điều răn và giới luật.
Vậy tất cả chúng ta phải có chung một cảm nghĩ đối với nhau : nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau ; nếu một bộ phận nào được vẻ vang thì mọi bộ phận cũng vui chung.
Thánh Phao-lô nói tiếp : Vậy anh em hãy đón nhận nhau như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. Nếu muốn có chung một cảm nghĩ, chúng ta hãy đón nhận nhau, hãy mang gánh nặng cho nhau, và duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.
Thiên Chúa cũng đã đón nhận chúng ta như thế trong Đức Ki-tô. Chính Đức Ki-tô là Đấng chân thật đã nói : Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con của Người cho chúng ta. Thật vậy, Người Con ấy đã bị nộp làm giá chuộc cho tất cả chúng ta được sống, và chúng ta đã được giải thoát khỏi tử thần, được cứu chuộc khỏi cái chết và tội lỗi...”
Xem tiếp…

MỞ CỬA RA… (ĐTC Phanxicô, giảng lễ Chúa Chiên Lành, 30/04/2023:)

tháng 5 01, 2024 |

“…Chúa nói, “Tôi là cánh cửa; ai qua tôi mà vào thì được cứu, được ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9). Chúng ta hãy nghe lại những từ đó: “họ được ra vào”. Một mặt, Chúa Giêsu là cánh cửa rộng mở giúp chúng ta bước vào mối tương giao với Chúa Cha và cảm nghiệm lòng thương xót của Người. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, cửa mở không chỉ để vào mà còn để ra. Sau khi đưa

chúng ta trở lại vòng tay của Thiên Chúa và
gia nhập Giáo hội, Chúa Giêsu là cánh cửa dẫn chúng ta trở ra với thế giới. Người thúc giục chúng ta ra đi để gặp gỡ anh chị em mình. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng tất cả chúng ta, không trừ một ai, đều được kêu gọi làm điều này; chúng ta được mời gọi bước ra khỏi vùng an toàn của mình và tìm được can đảm để vươn tới tất cả những vùng ngoại biên cần ánh sáng Tin Mừng (x. Evangelii Gaudium, 20).
Thưa anh chị em, “ra đi” có nghĩa là, giống như Chúa Giêsu, chúng ta phải trở thành những cánh cửa rộng mở. Thật buồn và đau đớn biết bao khi nhìn thấy những cánh cửa đóng kín. Những cánh cửa đóng kín của sự ích kỷ của chúng ta đối với người khác; những cánh cửa đóng kín của chủ nghĩa cá nhân của chúng ta giữa một xã hội ngày càng cô lập; những cánh cửa đóng kín của sự thờ ơ của chúng ta đối với những người kém may mắn và những người đau khổ; những cánh cửa mà chúng ta đóng lại đối với những người xa lạ hoặc không giống chúng ta, đối với những người di cư hoặc người nghèo. Những cánh cửa cũng đóng lại trong các cộng đồng giáo hội của chúng ta: những cánh cửa đóng lại với những người khác, đóng cửa với thế giới, đóng cửa với những người “bất thường”, đóng cửa với những ai khao khát sự tha thứ của Thiên Chúa. Anh chị em thân mến, xin vui lòng để chúng ta mở những cánh cửa đó! Trong lời nói, việc làm và hoạt động hàng ngày, giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy cố gắng là cánh cửa rộng mở: một cánh cửa không bao giờ đóng trước mặt bất cứ ai, một cánh cửa cho phép mọi người bước vào và cảm nghiệm vẻ đẹp của tình yêu và sự tha thứ của Chúa.
Tôi đặc biệt lặp lại điều này với bản thân tôi và với các anh em giám mục và linh mục của tôi: với những người trong chúng tôi là các mục tử. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng mục tử nhân lành không phải là một tên trộm cũng không phải là một tên cướp (x. Ga 10,8) Nói cách khác, họ không lợi dụng vai trò của mình; họ không thống trị đàn chiên được giao cho họ chăm sóc; họ không chiếm chỗ của các anh chị em giáo dân của họ; họ không thực thi quyền lực cứng ngắc. Thưa anh chị em, chúng ta hãy khuyến khích nhau trở thành những cánh cửa ngày càng rộng mở: “những người tạo điều kiện” cho ân sủng của Thiên Chúa, những bậc thầy của sự gần gũi; chúng ta hãy sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình, như Chúa Kitô, Chúa chúng ta và là tất cả của chúng ta, đang dang rộng vòng tay dạy dỗ chúng ta từ ngai thánh giá và hằng ngày tỏ cho chúng ta thấy Bánh Hằng Sống bẻ ra cho chúng ta trên bàn thờ. Tôi cũng nói điều này với các anh chị em tu sĩ của chúng ta, với các giáo lý viên và nhân viên mục vụ, với những người có trách nhiệm chính trị và xã hội, và với những người chỉ đơn giản là tiếp tục cuộc sống hàng ngày của họ, những điều đôi khi không dễ dàng. Hãy là những cánh cửa mở rộng! Hãy để Chúa của sự sống bước vào tâm hồn chúng ta, với những lời an ủi và chữa lành của Người, để sau đó chúng ta có thể tiến ra như những cánh cửa rộng mở trong xã hội…”
Xem tiếp…

HÃY CHỮA LÀNH THƯƠNG ĐAU… (ĐTC Phanxicô, 24/04/2022)

tháng 5 01, 2024 |


“Câu chuyện của Thánh Tôma trên thực tế là câu chuyện của mọi tín hữu. Có những lúc khó khăn khi cuộc sống tưởng chừng như phủ nhận niềm tin, có những lúc khủng hoảng khi chúng ta cần phải chạm vào và nhìn thấy. Giống như Tôma, chính trong những giây phút đó, chúng ta khám phá lại thánh tâm Chúa Kitô, lòng thương xót của Chúa. Trong những tình huống đó, Chúa Giêsu không đến gần chúng ta trong sự đắc thắng và với những bằng chứng choáng ngợp. Ngài không thực hiện những phép lạ kinh thiên động địa, nhưng thay vào đó Chúa Giêsu cung cấp cho chúng ta những dấu hiệu ấm lòng về lòng thương xót của Ngài. Người an ủi chúng ta giống như cách Người đã làm trong bài Tin Mừng hôm nay: Người đem đến cho chúng ta những dấu chỉ ấm áp của lòng thương xót. Chúng ta không được quên sự thật này. Để đáp lại tội lỗi của chúng ta, Chúa luôn hiện diện để ban cho chúng ta những vết thương của Người. Trong thừa tác vụ của chúng ta với tư cách là người giải tội, chúng ta phải cho dân chúng thấy rằng giữa tội lỗi của họ, Chúa đã ban vết thương của Người cho họ. Những vết thương của Chúa mạnh hơn tội lỗi.
Chúa Giêsu làm cho chúng ta nhìn thấy những vết thương của anh chị em chúng ta. Giữa những khủng hoảng và khó khăn của chính chúng ta, lòng thương xót Chúa thường làm cho chúng ta ý thức được những đau khổ của người lân cận. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang trải qua những nỗi đau không thể chịu đựng được và những tình huống đau khổ, và chúng ta đột nhiên phát hiện ra rằng những người xung quanh chúng ta đang âm thầm chịu đựng những điều thậm chí còn tồi tệ hơn. Nếu chúng ta quan tâm đến những vết thương của người lân cận và đổ lên trên họ sự thương xót, chúng ta thấy được tái sinh trong chúng ta một niềm hy vọng có thể an ủi chúng ta trong sự mệt mỏi của chúng ta.
Chúng ta hãy tự hỏi mình liệu chúng ta có muộn màng trong việc giúp ai đó đang đau khổ về tinh thần hay thể xác; liệu chúng ta đã mang lại sự bình yên cho ai đó đang đau khổ về thể xác hay tinh thần; liệu chúng ta có dành một khoảng thời gian để lắng nghe, hiện diện hay mang lại cảm giác thoải mái cho người khác. Vì bất cứ khi nào chúng ta làm những điều này, chúng ta gặp được Chúa Giêsu. Từ con mắt của tất cả những người đang bị đè nặng bởi những thử thách của cuộc sống, Ngài nhìn ra chúng ta với lòng thương xót và nói: Bình an cho anh em! Về vấn đề này, tôi nghĩ đến sự hiện diện của Đức Mẹ với các thánh Tông đồ. Tôi cũng nhắc lại rằng chúng ta kính nhớ Mẹ là Mẹ của Giáo Hội vào ngày sau Lễ Hiện Xuống; và kính nhớ Mẹ là Mẹ của Lòng Thương Xót vào Thứ Hai sau Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Mong Đức Mẹ giúp chúng ta tiến lên trong thánh chức của mình.” (ĐTC Phanxicô, 24/04/2022)
Xem tiếp…

KIÊU NGẠO… (ĐTC Phanxicô, giáo lý 24/04/2024)

tháng 5 01, 2024 |

“…Các nhân đức đối thần (đức tin, đức cậy, đức mến) là liều thuốc giải độc tuyệt vời cho sự tự mãn. Biết bao nhiêu người nam nữ hoàn hảo về mặt đạo đức có nguy cơ trở nên tự phụ và kiêu ngạo trong mắt những người quen biết họ! Đó là một mối nguy hiểm mà Tin Mừng cảnh báo chúng ta rõ ràng, khi Chúa Giêsu khuyên các môn đệ của Người: "Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: 'Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã
chỉ làm việc bổn phận đấy thôi'" (Lc 17,10).
Kiêu ngạo là một liều thuốc độc cực mạnh: chỉ một giọt thôi cũng đủ hủy hoại cả một cuộc đời được đánh dấu bằng sự tốt lành. Một người có thể đã làm cả núi việc từ thiện, có thể được ghi nhận và khen ngợi, nhưng nếu tất cả những điều họ làm chỉ vì bản thân, để đề cao bản thân thì liệu người đó có còn được coi là người nhân đức không?
Điều thiện không chỉ là mục đích mà còn là phương tiện. Điều thiện cần rất nhiều sự thận trọng, rất nhiều lòng tốt. Trên hết, điều thiện cần phải loại bỏ sự hiện diện đôi khi quá cồng kềnh của cái tôi của chúng ta. Nếu mọi hành động chúng ta thực hiện trong cuộc sống đều chỉ vì bản thân mình, động lực này có thực sự quan trọng đến vậy không?…” (ĐTC Phanxicô, giáo lý 24/04/2024)
Xem tiếp…

MỤC TỬ NHÂN LÀNH (ĐTC Phanxicô, 25/04/2021)

tháng 5 01, 2024 |



“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh, cũng được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Tin Mừng (Ga 10,11-18) trình bày Chúa Giêsu là người mục tử đích thực, người bảo vệ, hiểu biết và yêu thương đàn chiên của mình...
Chúa Giêsu, người mục tử chân thật, luôn luôn bảo vệ chúng ta và cứu chúng ta khỏi bao nhiêu tình huống khó khăn, nguy hiểm nhờ ánh sáng lời Ngài và sức mạnh từ sự hiện diện của Ngài mà chúng ta luôn cảm nghiệm được nếu chúng ta muốn lắng nghe mỗi ngày...
Chúa Giêsu, người mục tử nhân lành, biết chiên của mình và chiên biết Người (câu 14). Thật tuyệt vời và an ủi biết bao khi biết rằng Chúa Giêsu biết chúng ta từng người một, rằng chúng ta không phải là vô danh tiểu tốt đối với Ngài, rằng tên tuổi của chúng ta được Ngài biết đến! Chúng ta không phải là một hạt tí ti trong một “khối to lớn”, hay một trong “vô số” đối với Ngài, không. Chúng ta là những cá thể độc nhất vô nhị, mỗi người có câu chuyện riêng của mình, Người biết chúng ta và những câu chuyện riêng của chúng ta, mỗi người chúng ta đều có giá trị riêng của mình, bởi vì chúng ta đã được tạo ra và đã được cứu chuộc bởi Chúa Kitô. Mỗi người chúng ta có thể nói: Chúa ơi, Chúa biết con! Từng người chúng ta có thể nói Chúa Giêsu biết tôi! Đó là sự thật, nó là như thế này: Ngài biết chúng ta không giống như những người khác. Chỉ có Ngài mới biết những gì trong lòng chúng ta, những dự định, những cảm xúc thầm kín nhất của chúng ta. Chúa Giêsu biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của chúng ta, và luôn sẵn sàng chăm sóc cho chúng ta, để chữa lành vết thương lỗi lầm của chúng ta với lòng thương xót dư dật của Ngài. Nơi Ngài, hình ảnh mà các tiên tri đã đưa ra về người chăn dắt dân Chúa được ứng nghiệm hoàn toàn: Chúa Giêsu quan tâm đến bầy chiên của Ngài, Ngài gom chúng lại, Ngài băng bó các vết thương của chúng, Ngài chữa lành các bệnh tật của chúng. Chúng ta có thể đọc điều này trong Sách Tiên tri Ezekiel (xem Ez 34, 11-16).
Vì vậy, Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành bảo vệ, biết rõ và trên hết là yêu thương đàn chiên của Người. Và đây là lý do tại sao Ngài ban sự sống của Ngài cho họ (xem Ga 10, 15). Tình yêu dành cho chiên của mình, nghĩa là dành cho mỗi người trong chúng ta, sẽ dẫn đến cái chết trên thập tự giá. Vì đây là ý muốn của Thiên Chúa, là không ai bị hư mất. Tình yêu của Chúa Kitô không chọn lọc; tình yêu ấy bao trùm tất cả mọi người. Chính Ngài nhắc nhở chúng ta điều này trong Tin Mừng hôm nay khi Ngài nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Những lời này làm chứng cho mối quan tâm phổ quát của Ngài: Ngài là người chăn dắt mọi người. Chúa Giêsu muốn mọi người có thể đón nhận tình yêu của Chúa Cha và gặp gỡ Thiên Chúa.
Và Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh này của Chúa Kitô. Bên cạnh những người tham gia vào cộng đoàn của chúng ta, phần lớn, rất nhiều người, chỉ tham gia vào những thời điểm cụ thể hoặc không bao giờ. Nhưng điều này không có nghĩa là họ không phải là con cái Thiên Chúa: Chúa Cha giao phó mọi người cho Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, và Người đã hiến mạng sống mình vì mọi người.
Thưa anh chị em, Chúa Giêsu bảo vệ, biết và yêu thương chúng ta, tất cả mọi người. Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta là những người đầu tiên đón tiếp và bước theo Vị Mục Tử Nhân Lành, để cộng tác trong niềm vui sứ vụ của Người. (ĐTC Phanxicô, 25/04/2021)
Xem tiếp…

SỬA CHỮA…(ĐTC Phanxicô, 24/04/2024)

tháng 4 30, 2024 |

“…Để sửa chữa tất cả những tình huống, đôi khi trở nên đau đớn này, các nhân đức đối thần sẽ giúp ích rất nhiều. Đặc biệt là trong những khoảnh khắc sa ngã, bởi vì ngay cả những người có ý hướng đạo đức tốt đôi khi cũng sa ngã. Cũng như những người thực hành nhân đức hàng ngày, đôi khi mắc sai lầm: trí tuệ không phải lúc nào cũng sáng suốt, ý chí không phải lúc nào cũng vững vàng, đam mê không phải lúc nào cũng được chế ngự, can đảm không phải lúc nào cũng vượt qua
được nỗi sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta mở rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Thần, thì Người làm cho các nhân đức đối thần trong tâm hồn chúng ta sống lại: khi đó, nếu chúng ta mất niềm tin tưởng, Thiên Chúa sẽ mở cửa đức tin cho chúng ta; nếu chúng ta nản lòng, Thiên Chúa đánh thức niềm hy vọng trong chúng ta; nếu trái tim chúng ta chai đá, Thiên Chúa sẽ làm dịu nó bằng tình yêu của Người.” (ĐTC Phanxicô, 24/04/2024)
Xem tiếp…

LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA CHO TA NIỀM VUI ĐƯỢC THA THỨ (ĐTC Phanxicô, 24/04/2022)

tháng 4 29, 2024 |


“Thứ nhất, lòng thương xót của Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm vui, một niềm vui đặc biệt, niềm vui khi biết rằng chúng ta đã được tha thứ một cách nhưng không.
Vào buổi tối Lễ Phục Sinh, các môn đệ nhìn thấy Chúa Giêsu và nghe Ngài nói lần đầu tiên: “Bình an cho anh em”, họ vui mừng (Ga 20,20). Họ bị

nhốt sau những cánh cửa đóng kín vì sợ hãi; nhưng họ cũng tự khép vào chính mình, bị đè nặng bởi cảm giác thất bại. Họ là những môn đệ đã bỏ Thầy mình; tại thời điểm Thầy bị bắt, họ đã bỏ chạy. Thánh Phêrô thậm chí đã chối Thầy ba lần, và một trong số họ - một trong số họ! - đã phản bội Ngài. Họ có lý do chính đáng để cảm thấy không chỉ sợ hãi mà còn vô dụng; họ đã thất bại. Trong quá khứ, chắc chắn, họ đã có những lựa chọn can đảm. Họ đã theo Thầy với lòng nhiệt thành, tận tâm và quảng đại. Vậy mà cuối cùng, mọi thứ đã diễn ra quá nhanh. Sự sợ hãi đã chiếm ưu thế và họ đã phạm tội lớn: họ đã bỏ mặc Chúa Giêsu vào giờ phút bi thảm nhất của Ngài. Trước Lễ Phục sinh, họ đã nghĩ rằng họ đã được tiền định cho sự vĩ đại; họ tranh luận về việc ai sẽ là người lớn nhất trong số họ… Bây giờ họ đã chạm đến bùn đen.
Trong bầu không khí này, lời đầu tiên họ nghe thấy, “Bình an cho anh em!” Các môn đệ lẽ ra phải cảm thấy xấu hổ, nhưng họ lại vui mừng. Tại sao? Thưa: Bởi vì nhìn thấy khuôn mặt và nghe lời chào của Chúa Giêsu, họ đã hướng sự chú ý của họ ra khỏi họ và hướng về Ngài. Như Phúc Âm cho chúng ta biết, “các môn đệ vui mừng khi được nhìn thấy Chúa” (câu 20). Họ được đưa ra khỏi bản thân mình, cũng như những thất bại của họ, và bị thu hút bởi ánh mắt của Ngài, ánh mắt không phải nghiêm khắc mà là ánh mắt xót thương. Chúa Giêsu Kitô không khiển trách họ về những gì họ đã làm, nhưng cho họ thấy lòng nhân hậu thường hằng của Ngài. Và điều này làm họ hồi sinh, lấp đầy trái tim họ với sự bình yên mà họ đã đánh mất và khiến họ trở thành những con người mới, được thanh lọc bởi một sự tha thứ hoàn toàn không đáng có.
Đó là niềm vui mà Chúa Giêsu mang lại. Đó là niềm vui mà chúng ta cũng cảm nhận được mỗi khi chúng ta cảm nhận được sự tha thứ của Ngài. Bản thân chúng ta biết những môn đệ đó đã cảm thấy gì vào Lễ Phục sinh, qua những sai sót, tội lỗi và thất bại của chính chúng ta. Những lúc như vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng không thể làm được gì. Tuy nhiên, đó chính xác là khi Chúa làm mọi thứ. Ngài ban cho chúng ta sự bình an của Ngài, qua một lời xưng thú chân thành, qua lời nói của một người gần gũi chúng ta, qua sự an ủi bên trong của Thánh Linh, hoặc qua một số sự kiện bất ngờ và đáng ngạc nhiên…
Bằng nhiều cách thế đa dạng, Thiên Chúa cho thấy rằng Ngài muốn làm cho chúng ta cảm nhận được sự bao bọc của lòng thương xót của Ngài, niềm vui được sinh ra khi nhận được “sự tha thứ và hòa bình”. Niềm vui Chúa ban quả thực được sinh ra từ sự tha thứ. Niềm vui ấy mang đến cho chúng ta an bình. Đó là niềm vui nâng chúng ta lên, mà không làm chúng ta bẽ mặt. Cứ như thể Chúa không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Thưa anh chị em, chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những lần chúng ta nhận được sự tha thứ và bình an của Chúa Giêsu. Mỗi người trong chúng ta đã nhận được; mỗi người trong chúng ta đã có kinh nghiệm đó. Thật tốt cho chúng ta khi nhớ lại những khoảnh khắc đó. Chúng ta hãy đặt ký ức về vòng tay ấm áp của Chúa lên trước ký ức về những sai lầm và thất bại của chính chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ phát triển trong niềm vui. Mọi thứ sẽ không giống như trước, đối với bất cứ ai đã cảm nghiệm được niềm vui của Thiên Chúa! Đó là một niềm vui biến đổi chúng ta.” (ĐTC Phanxicô, 24/04/2022)
Xem tiếp…

KHÍ CỤ BÌNH AN CỦA CHÚA (ĐTC Phanxicô, 24/04/2022)

tháng 4 29, 2024 |


“Bình an cho anh em! Chúa nói những lời này lần thứ hai và nói thêm, “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Lc 20,22). Sau đó, Ngài ban cho các môn đệ Chúa Thánh Thần để biến họ thành những tác nhân của sự hòa giải: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (câu 23). Không chỉ các môn đệ nhận được lòng thương xót; họ trở thành người phân phát lòng thương xót mà chính họ đã nhận được. Họ nhận được sức mạnh này không phải do công lao hay sự học tập của họ, mà là một món quà thuần túy của ân sủng, tuy nhiên điều ấy dựa trên kinh nghiệm của họ về việc bản thân họ đã được tha thứ.
Bây giờ tôi đang nói với anh em, những nhà truyền giáo của lòng thương xót: nếu anh em không cảm thấy được tha thứ, đừng thực hiện công việc của mình như một nhà truyền giáo của lòng thương xót cho đến khi anh em cảm nhận được sự tha thứ đó. Lòng thương xót mà chúng ta đã nhận được cho phép chúng ta phân phát rất nhiều lòng thương xót và sự tha thứ. Ngày nay và mọi ngày, trong Giáo hội, sự tha thứ phải được đón nhận theo cùng một cách tương tự như vậy, qua lòng nhân hậu khiêm nhường của một người giải tội nhân từ, người coi mình không phải là người nắm giữ quyền lực nào đó nhưng là một kênh của lòng thương xót, người ban cho người khác sự tha thứ mà bản thân người ấy nhận được trước đó. Từ đó nảy sinh khả năng tha thứ mọi thứ vì Chúa luôn tha thứ mọi thứ. Chúng ta là những người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ nhưng Ngài luôn tha thứ. Anh em phải là kênh của sự tha thứ đó thông qua kinh nghiệm của chính anh em về việc được thứ tha. Không cần phải làm khổ các tín hữu khi đến với Tòa Giải tội. Cần phải hiểu hoàn cảnh của họ, lắng nghe, tha thứ và đưa ra lời khuyên tốt để họ có thể tiến lên. Chúa tha thứ mọi thứ và chúng ta không được đóng cánh cửa đó lại với con người.
“Nếu anh em tha thứ tội lỗi cho ai, người ấy sẽ được tha thứ họ”. Những từ này là nguồn gốc của Bí tích Hòa giải, nhưng không chỉ như thế. Chúa Giêsu đã biến toàn thể Giáo hội trở thành một cộng đoàn lan tràn lòng thương xót, một dấu chỉ và khí cụ hòa giải cho toàn thể nhân loại. Anh chị em, mỗi người chúng ta, khi rửa tội, đã nhận được ơn Chúa Thánh Thần để trở thành người nam hay người nữ của sự hòa giải.
Bất cứ khi nào chúng ta trải nghiệm niềm vui được giải thoát khỏi gánh nặng tội lỗi và thất bại của mình; Bất cứ khi nào chúng ta biết tận mắt ý nghĩa của việc tái sinh sau một tình huống tưởng chừng như vô vọng, chúng ta cảm thấy cần phải chia sẻ tấm bánh của lòng thương xót với những người xung quanh. Chúng ta hãy cảm thấy được kêu gọi đến điều này. Và chúng ta hãy tự hỏi: ở nhà, trong gia đình, tại nơi làm việc, trong cộng đồng của tôi, tôi có nuôi dưỡng tình hiệp thông không? Tôi có phải là người kiến tạo hòa bình, hòa giải không? Tôi có cam kết xoa dịu xung đột, mang lại sự tha thứ thay cho hận thù, và hòa bình thay cho oán hận không? Tôi có tránh làm tổn thương người khác bằng cách không nói chuyện phiếm không? Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành chứng nhân của Người trước thế giới với những lời đó: Bình an cho anh em!” (ĐTC Phanxicô, 24/04/2022)
Xem tiếp…

TỬ ĐẠO: CHỨNG NHÂN TIN MỪNG (ĐTC Phanxicô, giáo huấn 19/04/2023:)

tháng 4 26, 2024 |

“Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Sau khi… nói về việc loan báo Tin Mừng và nói về lòng nhiệt thành tông đồ, sau khi xem xét chứng tá của Thánh Phaolô, “nhà quán quân” đích thực của lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta sẽ hướng sự chú ý của chúng ta không phải đến một nhân vật đơn nhất, mà là hàng loạt các vị tử đạo, nam nữ, thuộc mọi thời đại, ngôn ngữ và quốc gia, những người đã hy sinh mạng sống vì Chúa Kitô, những người đã đổ máu để tuyên xưng Chúa Kitô. Sau thế hệ của các Tông đồ, các vị là những “nhân chứng” tinh túy của Tin Mừng. Các vị tử đạo: đầu tiên là phó tế Stêphanô, bị ném đá chết bên ngoài tường thành Giêrusalem. Chữ “tử vì đạo” có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp “martyria”, thực ra có nghĩa là chứng nhân. Nghĩa là, tử đạo là chứng nhân, người làm chứng đến chỗ đổ máu. Tuy nhiên, rất nhanh trong Giáo hội, chữ tử đạo bắt đầu được dùng để chỉ những người làm chứng đến chỗ đổ máu [1]. Nghĩa là, một vị tử đạo có thể là một người làm chứng hàng ngày. Nhưng sau đó nó được sử dụng để chỉ người hiến máu mình, người hiến cuộc sống mình.
Tuy nhiên, các vị tử đạo không được coi như những “anh hùng” hành động cá nhân, như những bông hoa nở trong sa mạc, nhưng như hoa trái chín mọng và tuyệt vời trong vườn nho của Chúa, nghĩa là Giáo hội. Đặc biệt, các Kitô hữu, nhờ sốt sắng tham dự việc cử hành Thánh Thể, đã được Chúa Thánh Thần hướng dẫn đặt cuộc sống của họ trên cơ sở mầu nhiệm tình yêu đó: nghĩa là, trên sự kiện Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình vì họ, và do đó cả họ nữa cũng có thể và nên hiến mạng sống của họ cho Người và cho anh chị em của họ. Một sự quảng đại tuyệt vời, cuộc hành trình chứng nhân Kitô giáo. Thánh Augustinô thường nhấn mạnh động lực này của lòng biết ơn và sự đền đáp cho đi nhưng không. Chẳng hạn, đây là những gì ngài đã giảng vào ngày lễ Thánh Lôrensô: Thánh Augustinô nói, trong Giáo Hội Rôma đó, “ngài đã thi hành chức vụ phó tế; chính tại đó, ngài đã ban chén thánh chứa máu Chúa Kitô; ở đó, ngài đã đổ máu của mình ra vì danh Chúa Kitô.
Tông đồ diễm phúc Gioan đã giải thích rõ ràng về mầu nhiệm bữa tiệc ly của Chúa khi ngài nói: 'Như Đức Kitô đã hiến mạng sống Người cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải hiến mạng sống cho anh em mình' (1 Ga 3,16). Thưa anh em, Thánh Lôrensô hiểu điều này, và ngài đã làm điều này; và chắc chắn ngài đã chuẩn bị những thứ tương tự như những thứ ngài đã nhận được tại chiếc bàn đó. Ngài yêu Chúa Kitô trong cuộc sống của mình, ngài bắt chước Người trong cái chết của Người” (Các Bài Giảng 304, 14; PL 38, 1395-1397). Bằng cách này, Thánh Augustinô đã giải thích động lực thiêng liêng đã truyền cảm hứng cho các vị tử đạo. Với những lời này: các vị tử đạo yêu mến Chúa Kitô trong cuộc sống của mình và bắt chước Người trong cái chết của mình…”
Xem tiếp…

MỤC TỬ NHÂN LÀNH (ĐTC Phanxicô, 21/04/2024)

tháng 4 25, 2024 |

“…Đây là điều Chúa muốn nói với chúng ta qua hình ảnh Mục Tử Nhân Lành: Người không chỉ là người hướng dẫn, là Đầu của đàn chiên, mà trên hết Người coi mỗi người chúng ta như tình yêu của cuộc sống của Người. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này: đối với Chúa Kitô, tôi quan trọng, không thể thay thế, tôi đáng giá bằng mạng sống của Người. Đó chính là cách nói: Người thực sự đã hiến mạng sống vì tôi, Người đã chết và sống lại vì tôi, vì Người yêu tôi và tìm thấy
nơi tôi một vẻ đẹp mà tôi thường không nhìn thấy.
Anh chị em thân mến, ngày nay có bao nhiêu người tự coi mình là không xứng hoặc thậm chí sai lầm! Đã bao nhiêu lần chúng ta nghĩ rằng giá trị của chúng ta phụ thuộc vào những mục tiêu mà chúng ta cố gắng đạt được, vào sự thành công của chúng ta trong mắt thế gian, vào sự đánh giá của người khác! Đã bao lần chúng ta vứt bỏ bản thân vì những điều nhỏ nhặt! Hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta luôn đáng giá rất lớn đối với Người. Vì vậy, để tái khám phá chính mình, điều đầu tiên cần làm là đặt mình trước sự hiện diện của Người, để mình được chào đón và nâng đỡ bởi vòng tay yêu thương của Mục Tử Nhân Lành.
Anh chị em thân mến, vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: tôi có biết cách tìm một khoảnh khắc mỗi ngày để đón nhận sự chắc chắn mang lại giá trị cho cuộc sống của tôi không? Tôi có biết tìm một giây phút cầu nguyện, tôn thờ, ca ngợi, để được ở trước sự hiện diện của Chúa Kitô và để mình được Người chăm sóc không? Anh chị em thân mến, Vị Mục tử Nhân lành nói với chúng ta rằng nếu chúng ta làm điều đó, chúng ta sẽ khám phá lại được bí mật của cuộc sống: chúng ta sẽ nhớ rằng Người đã hy sinh mạng sống vì tôi, vì tất cả chúng ta. Và đối với Người, mỗi người và tất cả chúng ta thật rất quan trọng.” (ĐTC Phanxicô, 21/04/2024)
Xem tiếp…

KHẨU NGUYỆN (ĐTC Phanxicô, 21/04/2021)

tháng 4 22, 2024 |


“Lời cầu nguyện đầu tiên của con người luôn là khẩu nguyện : lời tụng thành tiếng. Môi luôn chuyển động trước tiên. Mặc dù tất cả chúng ta đều ý thức rằng cầu nguyện không có nghĩa là lặp lại các lời nói, tuy nhiên, cầu nguyện thành tiếng vẫn là điều chắc chắn nhất và luôn có thể thực hành được. Mặt khác, tình cảm, dù cao thượng đến đâu, cũng không luôn chắc chắn: chúng đến rồi đi, chúng rời bỏ chúng ta rồi quay trở lại. Không những thế, các ơn thánh của cầu nguyện cũng không thể đoán trước được: có lúc được an ủi rất nhiều, nhưng vào những ngày đen tối nhất, chúng dường như biến mất hoàn toàn. Lời cầu nguyện của trái tim là điều mầu nhiệm, và vào một số thời điểm nào đó, nó như không có. Thay vào đó, lời cầu nguyện trên môi được đọc thì thầm hoặc đọc thuộc lòng luôn luôn có thể tiếp cận được, và cũng cần thiết như lao động chân tay. Sách Giáo lý dạy chúng ta về điều này, và quả quyết rằng: “cầu nguyện thành tiếng là một yếu tố thiết yếu của đời sống Kitô hữu. Với các môn đệ, được lời cầu nguyện thầm lặng của Thầy mình lôi cuốn, Chúa Giêsu dạy một kinh cầu thành tiếng, đó là Kinh Lạy Cha” (số 2701). “Hãy dạy chúng con cách cầu nguyện”, các môn đệ xin Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu dạy họ một kinh cầu thành tiếng: Kinh Lạy Cha. Và mọi sự đều ở đó, trong kinh cầu đó…
Tất cả chúng ta nên có sự khiêm tốn của một số người cao niên, những vị, trong nhà thờ, có lẽ vì thính giác của họ không còn nhạy bén, nên đã đọc thầm những lời cầu nguyện mà họ đã học khi còn nhỏ, lấp đầy lòng nhà thờ bằng những lời thì thầm. Lời cầu nguyện đó không làm xáo trộn sự im lặng, nhưng làm chứng cho sự trung thành của họ đối với bổn phận cầu nguyện, được thực hành suốt đời các vị không hề sai chạy. Những người thực hành kiểu cầu nguyện khiêm nhường này thường là những người cầu bầu tuyệt vời trong các giáo xứ: họ là những cây sồi từ năm này qua năm khác vươn cành tỏa bóng mát cho số lượng người đông đảo nhất. Chỉ có Thiên Chúa mới biết khi nào và mức nào trái tim của họ đã được kết hợp với những lời cầu nguyện được họ đọc thành tiếng: chắc chắn các vị này cũng đã phải đối diện với những đêm đen và những khoảnh khắc trống rỗng. Nhưng các vị luôn có thể trung thành với lời cầu nguyện thành tiếng của mình. Nó giống như chiếc mỏ neo: người ta có thể giữ chặt sợi dây và mãi trung thành, bất chấp điều gì xảy ra.
...chúng ta không được coi thường việc cầu nguyện thành tiếng. Người ta dám nói rằng “À, kiểu này chỉ dành cho trẻ em, dành cho những người ngu dốt; Tôi tìm cách cầu nguyện trong tâm trí, suy niệm, khoảng trống bên trong để Thiên Chúa có thể đến với tôi… ” Xin làm ơn! Đừng sa vào thứ kiêu ngạo mà la rầy lối cầu nguyện thành tiếng. Đó là lời cầu nguyện của người đơn sơ, lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy: Lạy Cha chúng con ở trên trời… Các lời chúng ta đọc nắm lấy tay chúng ta; đôi khi chúng khôi phục được hương vị, chúng đánh thức ngay cả những trái tim mê ngủ nhất; chúng đánh thức dậy những tâm tình mà chúng ta đã lãng quên xưa nay. Và chúng cầm tay dẫn chúng ta hướng tới việc cảm nghiệm Thiên Chúa, những lời này… Và trên hết, chúng là những lời duy nhất, một cách chắc chắn, đạo đạt lên Thiên Chúa những câu hỏi mà Người muốn nghe. Chúa Giêsu đã không để chúng ta trong một màn sương mù. Người nói với chúng ta: "Hãy cầu nguyện như thế này". Và Người dạy Kinh Lạy Cha (x. Mt 6, 9). (ĐTC Phanxicô, 21/04/2021)
Xem tiếp…

PHẢI DI CHUYỂN, PHẢI RA ĐI, PHẢI TIẾN BƯỚC (ĐTC Phanxicô, giáo huấn 12/04/2023:)

tháng 4 22, 2024 |

“Đẹp thay, trên đồi núi, bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ, và nói với Xion rằng: ‘Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị’” (Is 52,7).
đây chúng ta thấy nói đến bàn chân của người loan báo Tin mừng. Tại sao? Bởi vì người đi rao giảng phải di chuyển, phải bước đi! Nhưng chúng ta cũng lưu ý rằng trong bản văn này, Thánh

Phaolô nói về giày dép như một phần của bộ áo giáp, giống như trang bị của một người lính khi ra trận: trong chiến đấu, điều cần thiết là phải có chỗ đứng vững chắc để tránh các cạm bẫy của địa hình – bởi vì kẻ thù thường rải đầy cạm bẫy trên chiến trường – và để có sức mạnh chạy và di chuyển đúng hướng. Vì vậy, giày là để chạy và để tránh tất cả những thứ này của kẻ thù.
Lòng nhiệt thành truyền giáo là chỗ dựa trên đó việc loan báo đặt cơ sở, và những người loan báo phần nào giống như đôi chân của thân thể Chúa Kitô là Giáo hội. Không có lời tuyên bố nếu không có chuyển động, không có sự “đi ra ngoài”, không có sáng kiến. Điều này có nghĩa là sẽ không có Kitô hữu nào nếu không di chuyển; không có Kitô hữu nào nếu Kitô hữu không ra khỏi chính mình để lên đường và mang theo lời công bố. Không có công bố nào nếu không có chuyển động, không có bước đi. Người ta không đứng yên loan báo Tin Mừng, nhốt mình trong một văn phòng, tại bàn làm việc hay máy tính của mình, tranh luận như những “anh hùng bàn phiếm” [keyboard warriors] và thay thế tính sáng tạo của việc công bố bằng những ý tưởng “sao chép” và “dán vào” từ chỗ này chỗ kia. Tin Mừng được loan báo bằng cách di chuyển, bằng cách bước đi, bằng cách đi.
Thuật ngữ được Thánh Phaolô sử dụng để chỉ giày dép của những người mang Tin Mừng là một từ Hy Lạp có nghĩa là sẵn sàng, chuẩn bị, sốt sắng. Nó trái ngược với sự cẩu thả, không tương ứng với tình yêu. Thật vậy, ở chỗ khác, thánh Phaolô nói: “nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” (Rm 12,11). Thái độ này là thái độ bắt buộc trong Sách Xuất Hành để cử hành hy tế giải thoát trong Lễ Vượt Qua: “Các ngươi sẽ ăn lễ này theo cách này: lưng thắt lưng, chân mang dép, tay cầm gậy; và các ngươi sẽ ăn nó trong vội vàng. Đó là Lễ Vượt Qua của Chúa. Vì Ta sẽ đi ngang qua xứ Ai Cập đêm đó” (12,11-12a).
Sứ giả sẵn sàng ra đi, và biết rằng Chúa đi ngang qua cách lạ lùng. Do đó, họ phải thoát khỏi những đồ án và chuẩn bị cho một hành động mới và bất ngờ: chuẩn bị cho những điều bất ngờ. Người loan báo Tin Mừng không thể bị hóa đá trong những cái cũi của sự hợp lý hay ý tưởng cho rằng “mọi việc vẫn luôn được thực hiện theo cách này,” nhưng sẵn sàng đi theo một sự khôn ngoan không thuộc về thế gian này, như Thánh Phaolô đã nói khi nói về chính mình: “Lời nói và sứ điệp của tôi không phải hệ ở những lời lẽ khôn ngoan hợp lý, nhưng ở việc biểu dương Thần Khí và quyền năng, để đức tin của anh em không hệ tại ở sự khôn ngoan của loài người, nhưng ở ở quyền năng của Thiên Chúa” (1 Cr 2,4-5).
Đây là lý do tại sao, thưa anh chị em, điều quan trọng là phải có sự sẵn sàng cho sự mới mẻ của Tin Mừng, thái độ này bao gồm đà đẩy, có sáng kiến, đi trước. Nó có nghĩa là không bỏ qua những cơ hội loan báo Tin Mừng hòa bình, thứ hòa bình mà Chúa Kitô biết trao ban nhiều hơn và tốt hơn thế gian ban tặng.
Và vì lý do này, tôi khuyên anh chị em trở thành những người loan báo Tin Mừng biết tiến bước, không chút sợ hãi, tiến bước để mang vẻ đẹp của Chúa Giêsu, mang sự mới mẻ của Chúa Giêsu, Đấng thay đổi mọi sự. “Vâng, thưa Cha, Người thay đổi lịch, bởi vì nay chúng ta tính các năm bắt đầu từ Chúa Giêsu…” Nhưng có phải Người cũng thay đổi tấm lòng không? Và anh chị em có sẵn sàng để Chúa Giêsu thay đổi tấm lòng của anh chị em không? Hay anh chị em là một Kitô hữu hâm hấp, người không di chuyển? Hãy suy nghĩ về điều đó: anh chị em có phải là người nhiệt thành với Chúa Giêsu không, anh chị em có đang tiến tới không? Hãy suy nghĩ về điều đó một chút.”
Xem tiếp…

COI CHỪNG NHIỆT TÌNH SAI HƯỚNG…(ĐTC Phanxicô, giáo huấn 12/04/2023:)

tháng 4 21, 2024 |

“Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Hai tuần trước, sau khi đã thấy lòng nhiệt thành bản thân của Thánh Phaolô đối với Tin Mừng, giờ đây chúng ta có thể suy tư sâu sắc hơn về lòng nhiệt thành Tin Mừng như chính ngài nói về nó và mô tả nó trong một số bức thư của ngài.
Nhờ kinh nghiệm bản thân, Thánh Phaolô không phải là không ý thức được mối nguy hiểm của lòng sốt sắng méo mó, đi sai hướng. Chính ngài đã rơi vào mối nguy hiểm này trước cuộc ngã ngựa đầy tính quan phòng trên đường đi Đamascô. Đôi khi chúng ta phải đối phó với lòng nhiệt thành sai hướng, ngoan cố chì trí tuân giữ những chuẩn mực hoàn toàn của con người và lỗi thời đối với cộng đoàn Kitô hữu. Thánh Tông đồ viết: “Họ nhiệt thành với anh em không phải vì mục đích tốt” (Gl 4,17). Chúng ta không thể bỏ qua mối quan tâm lo lắng mà với nó, một số người cống hiến hết mình cho những mục tiêu sai trái ngay cả trong chính cộng đồng Kitô giáo; người ta có thể khoe khoang về lòng nhiệt thành truyền giáo giả tạo trong khi thực sự theo đuổi hư vinh hoặc các xác tín của chính mình hoặc một chút tự ái.
Vì lý do này, chúng ta tự hỏi, theo Thánh Phaolô, những đặc điểm của lòng nhiệt thành truyền giáo thực sự là gì? Bản văn mà chúng ta đã nghe ở lúc đầu có vẻ hữu ích cho việc này, một danh sách các “vũ khí” mà Vị Tông Đồ chỉ ra cho trận chiến thiêng liêng. Trong số này có sự sẵn sàng truyền bá Tin Mừng, được một số người dịch là “sốt sắng” – người này nhiệt tình trong việc thực hiện những ý tưởng này, những điều này – và được nhắc đến như một “chiếc giày”. Tại sao? Lòng nhiệt thành đối với Tin Mừng liên quan thế nào đến những gì bạn mang ở chân? Ẩn dụ này lấy từ một đoạn văn của tiên tri Isaia, người đã nói như sau: “Đẹp thay, trên đồi núi, bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ, và nói với Xion rằng: ‘Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị’” (52,7)…”
Xem tiếp…

TÌM CHÚA PHỤC SINH (ĐTC Phanxicô, giảng lễ Vọng Phục Sinh, 16/04/2022)

tháng 4 20, 2024 |


“Tại sao các bà lại tìm kiếm người sống giữa những người đã chết? Ngài không ở đây, nhưng đã sống lại “(Lc 24,5-6). Chúng ta nên lắng nghe những lời đó và lặp lại chúng: Ngài không có ở đây! Bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã hiểu tất cả những gì cần biết về Chúa, và có thể nuôi dưỡng Ngài trong những ý tưởng và phạm trù của riêng chúng ta, chúng ta hãy lặp lại

với chính mình: Ngài không có ở đây!
Bất cứ khi nào chúng ta tìm kiếm Chúa chỉ trong những cảm xúc, thường thoáng qua, và chỉ tìm kiếm Ngài trong những lúc cần thiết, rồi sau đó đặt Ngài sang một bên và quên Ngài đi trong phần còn lại của cuộc sống và trong những quyết định hàng ngày của chúng ta, chúng ta hãy lặp lại: Ngài không có ở đây! Và bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể giam cầm Ngài trong lời nói của chúng ta, trong công thức của chúng ta, và trong cách suy nghĩ và hành động thông thường của chúng ta, và bỏ bê việc tìm kiếm Ngài trong những góc tối nhất của cuộc sống, nơi có những người khóc, những người đang phải vật lộn, đau khổ và hy vọng, chúng ta hãy lặp lại: Ngài không có ở đây!
Chúng ta cũng có thể nghe thấy câu hỏi được đặt ra cho những người phụ nữ: “Tại sao các bà lại tìm kiếm người sống giữa những người đã chết?” Chúng ta không thể cử hành Lễ Phục sinh nếu chúng ta tiếp tục là người chết; nếu chúng ta vẫn là tù nhân của quá khứ; Nếu trong cuộc đời, chúng ta thiếu can đảm để mình được Thiên Chúa tha thứ, Đấng đã tha thứ mọi sự, hãy can đảm để thay đổi, hãy đoạn tuyệt với những công việc của sự dữ, hãy quyết định dành cho Chúa Giêsu và cho tình yêu của Người.
Nếu chúng ta tiếp tục giản lược đức tin thành một lá bùa hộ mệnh, chúng ta biến Thiên Chúa thành một kỷ niệm đáng yêu từ xa xưa, thay vì gặp gỡ Ngài ngày nay như một Thiên Chúa hằng sống luôn mong muốn canh tân chúng ta và thay đổi thế giới của chúng ta. Một Kitô Giáo tìm kiếm Chúa giữa đống đổ nát của quá khứ và đặt Ngài trong ngôi mộ của thói quen là một Kitô Giáo không có Lễ Phục sinh. Nhưng Chúa đã sống lại! Chúng ta đừng quanh quẩn đợi chờ giữa các ngôi mộ, nhưng hãy chạy đi tìm Ngài, Đấng Hằng Sống! Chúng ta cũng đừng sợ tìm kiếm Người trong khuôn mặt của anh chị em chúng ta, trong câu chuyện của những người hy vọng và ước mơ, trong nỗi đau của những người đau khổ: Chúa ở đó!” (ĐTC Phanxicô, giảng lễ Vọng Phục Sinh, 16/04/2022)
Xem tiếp…